Đây là một vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều tác nhân, trong đó 36care đưa ra 5 nghiên cứu tình huống nhằm giải thích tại sao các tác nhân hiện hữu trong thực tế đối với một số bệnh và vắc-xin.
1. Hiệu quả của tiêm vắc-xin
Hiệu quả bảo vệ của vắc xin có thể lên đến 95%-98% và không có loại vắc-xin nào hiệu quả đạt 100%. Tức là vẫn có tỷ lệ nhỏ hệ thống miễn dịch của cơ thể không đáp ứng tốt với vắc-xin để tạo miễn dịch.
Ví dụ như sau khi trẻ được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc-xin sởi – quai bị – Rubella, sẽ có tới 99% trẻ được bảo vệ trước bệnh sởi. Như vậy vẫn còn 1% trường hợp không tạo được đáp ứng miễn dịch với một loại vắc-xin cụ thể. Khi cơ thể không tạo ra được đáp ứng miễn dịch, sau này, những người này vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
2. Khả năng bảo vệ dài hạn của vắc-xin:
Hầu hết các vắc-xin có tác dụng bảo vệ rất tốt trong nhiều năm, nhưng vaccine không có tác dụng bảo vệ vĩnh viễn. Mức bảo vệ có thể giảm tùy trường hợp: Giảm tự nhiên theo thời gian, do tình trạng sức khỏe, do dùng thuốc thuốc hoặc quá trình lão hóa và hệ miễn dịch giảm sút… Vì thế một số vaccine cần tiêm nhắc lại để đảm bảo khả năng phòng bệnh.
3. Tác nhân gây bệnh biến đổi theo thời gian:
Để vaccine có tác dụng, chủng vi khuẩn hoặc virus trong vaccine cần phải giống với chủng gây bệnh trong dân số.
Đơn cử như, Virus cúm gây bệnh cúm trên người gần như biến đổi theo từng mùa. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học luôn phải tìm ra những loại vắc-xin cúm hàng năm để đối phó với căn bệnh này. Mỗi năm, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu về chu trình hoạt động của các virus và dự đoán loại virus nào sẽ chiếm ưu thế trong mùa cúm sắp tới để sản xuất ra những loại vắc-xin mới phòng bệnh thích hợp. Nếu vắc-xin và loại virus cần tiêu diệt có sự tương hợp cao, vắc-xin có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc cúm từ 70 – 90% ở người lớn.
Do đó, các bác sỹ khuyến cáo cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn, bao gồm cả phụ nữ có thai (là đối tượng đặc biệt quan trọng) nên tiêm một liều vắc-xin cúm hàng năm.
4. Cơ thể chưa có đủ thời gian để tạo ra đáp ứng miễn dịch:
Thường phải mất khoảng ít nhất 2 tuần để cơ thể bạn có thể xây dựng đủ một hàng rào miễn dịch khỏe mạnh sau khi được tiêm vắc-xin. Nếu bạn bị nhiễm bệnh ngay sau khi vừa tiêm vắc-xin, cơ thể bạn chưa tạo được miễn dịch do vậy vắc-xin vừa dùng không kịp bảo vệ được bạn.
5. Không tiêm đủ liều vắc-xin theo khuyến cáo
Nếu bạn không tiêm đủ liều vắc-xin phòng bệnh, bạn sẽ không thu được hiệu quả miễn dịch bảo vệ cơ thể trước căn bệnh đó.
Ví dụ điển hình là vắc-xin phòng thủy đậu ở mũi tiêm đầu tiên tạo ra khoảng 78 – 79% tác dụng miễn dịch. Sau khi tiêm liều khuyến cáo thứ hai, miễn dịch thu được đối với bệnh mức độ nhẹ là vào khoảng 90% và gần 100% đối với bệnh nặng. Nói cách khác, có khoảng 10% khả năng vắc-xin sẽ không phát huy được tác dụng đối với bệnh thủy đậu dạng nhẹ, nhưng gần như là không có ai khi được tiêm phòng đầy đủ sẽ bị mắc bệnh nặng. Điều này có nghĩa là bạn cần tiêm ít nhất 02 mũi vắc-xin phòng thủy đậu để có được hiệu quả phòng bệnh cao nhất.
♦ Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bị nhiễm bệnh sau khi đã tiêm vắc-xin?
Mọi người cần phân biệt rõ bệnh lý có triệu chứng tương tự các bệnh lý mà bạn đã được tiêm phòng. Cơ thể có thể nhiễm 1 số tác nhân gây các triệu chứng tương tự, ví dụ: hắt hơi, sổ mũi, ho … khi đã tiêm phòng cúm, nổi ban đỏ khi đã tiêm phòng sởi, … khiến mọi người nhầm lẫn là đã tiêm vắc-xin mà vẫn mắc bệnh. Thức tế, tiêm phòng cúm chỉ phòng cúm virus, không phòng được cảm lạnh, viêm phế quản, …; tiêm sởi chỉ phòng sởi virus, không phòng sốt phát ban hoặc nổi mẩn cho nguyên nhân khác.
Với trường hợp có mắc bệnh sau khi đã tiêm vắc-xin thì mức độ bệnh thường là nhẹ. Ví dụ như những trẻ đã được chủng ngừa thủy đậu mà vẫn mắc phải căn bệnh này thường bị nhẹ hơn, với ít mụn nước hơn, sốt nhẹ hơn và hồi phục nhanh hơn là những trẻ bị nhiễm bệnh khi chưa được tiêm vắc-xin.
👉👉👉 Vậy nên khi đã lựa chọn 1 trung tâm tiêm chủng uy tín, bố mẹ đừng phân vân về chất lượng của vắc-xin nữa nhé! Hãy đặt niềm tin và 36care sẽ đồng hành cùng bạn ❤️