fbpx

NHỮNG ĐIỀU NÊN VÀ KHÔNG NÊN LÀM KHI CON BỊ SỐT CO GIẬT

Sốt không còn xa lạ với trẻ nhỏ nhưng sốt cao dẫn đến co giật khiến nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng. Nhiều bậc cha mẹ chưa hiểu đúng và xử trí đúng cách dẫn đến có khả năng gây hại cho trẻ. Vậy nên và không nên làm gì khi trẻ sốt co giật?Để giúp cha mẹ biết cách xử trí kịp thời khi phát hiện con bị sốt cao co giật, cần lưu ý:

1. Nhận biết biểu hiện của sốt co giật ở trẻ

Co giật do sốt cao thường xảy ra sớm, cơn co giật hầu hết là cơn toàn thể, vận động hai bên, kiểu cơn co cứng – giật cơ.

Khi co giật, trẻ có thể có thêm các biểu hiện nôn ói, sùi bọt mép, đồng tử lộn lên trên làm mắt trắng dã. Các cơn co giật này thường là các cơn co giật toàn thể, ngắn, kéo dài không quá 5 phút. Sau co giật, trẻ có thể lờ đờ chậm chạp hoặc ngủ. Thời gian này kéo dài tới cả tiếng đồng hồ. Trẻ thường bị 1 cơn co giật cho 1 đợt sốt.

Có 2 loại co giật do sốt, loại đơn giản và loại phức tạp. Khoảng 1/3 trẻ co giật do sốt là co giật phức tạp.

* Co giật do sốt thể đơn giản:

– Cơn co giật điển hình là cơn toàn thể, kiểu tăng trương lực và co cứng cơ.

– Thời gian co giật 15 phút.

– Trẻ không rối loạn tri giác hay có bất kỳ dấu hiệu thần kinh nào sau cơn.

* Co giật do sốt thể phức tạp:

– Co giật khu trú.

– Thời gian kéo dài > 15 phút.

– Có từ 2 cơn co giật trở lên trong vòng 24 giờ.

Những điều nên và không nên làm khi trẻ sốt?

2. Những điều nên và không nên làm khi trẻ nhỏ co giật do sốt

⛔️ Không nên:

– Không đè lên người, giữ hay ôm chặt trẻ vì việc này không giúp cắt cơn co giật và vô tình còn làm tổn thương trẻ.
– Không nhét bất cứ thứ gì vào miệng trẻ khi đang trong cơn co giật. Sự thật là trẻ đã nghiến chặt 2 hàm răng của mình nên rất rất hiếm trường hợp trẻ tự cắn vào lưỡi khi co giật. Người lớn đưa ngón tay hoặc đồ vật vào miệng trẻ sẽ làm tăng nguy cơ bị ngạt, gây tổn thương vùng răng miệng trẻ và tổn thương ngón tay người lớn.
– Không vắt chanh, sả, mật ong… hay bất cứ chất lỏng nào vào miệng trẻ khi đang co giật vì sẽ làm tăng nguy cơ hít sặc trực tiếp vào đường thở, rất nguy hiểm.
– Không cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi đang lên cơn co giật vì không có hiệu quả và cũng làm tăng nguy cơ hít sặc.
– Không đưa trẻ vào bồn tắm khi đang co giật với mục đích hạ sốt vì sẽ làm tăng nguy cơ bị ngạt và sặc nước ở trẻ.

⛔️ Nên:

– Bình tĩnh chờ đợi cơn co giật đi qua vì không có cách nào cắt cơn co giật ngay lập tức tại nhà. Đa số trẻ co giật do sốt sẽ tự cắt cơn sau 1 – 2 phút. Nếu trẻ co giật lâu hơn, ba mẹ nên đưa trẻ đến trung tâm cấp cứu gần nhất để được xử lý kịp thời.
– Đưa trẻ đến mặt phẳng an toàn như sàn nhà, đệm…, cho trẻ nằm nghiêng sang 1 bên, đầu hơi thấp để đờm nhớt trong miệng chảy ra, giữ đường thở được thông thoáng.
– Quan sát xung quanh nơi trẻ nằm để loại bỏ các đồ vật có nguy cơ làm tổn thương trẻ như đồ vật cứng, sắc nhọn…
– Ghi nhớ lại đặc điểm của cơn co giật (thời gian co giật; co giật tay, chân, toàn thân hay nửa người; có gồng người, trợn mắt không…). Nếu được, ba mẹ nên quay lại video để cung cấp cho bác sĩ, giúp chẩn đoán chính xác tình trạng của trẻ.
– Khi hết cơn co giật và tỉnh trở lại, nếu trẻ vẫn còn sốt cao, cho con dùng thuốc hạ sốt và đưa trẻ đi viện ngay sau đó.

3. Co giật do sốt cao có nguy hiểm?

Nếu ta cho rằng thiệt hại tính mạng là nguy hiểm thì tai biến co giật do sốt cao không nguy hiểm, do nó không gây hại tính mạng – ngoại trừ các trường hợp bị ngã khi đang trong cơn. Chẳng những vậy, nó cũng không gây ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ và tinh thần, nghĩa là trẻ em không bị ảnh hưởng tới khả năng học tập và hòa nhập cộng đồng; ngoại trừ các biến chứng đáng ngại dưới đây:

– Có thể gây ra các chấn thương gián tiếp sau đó như ngã khi đang co giật, chạm vào các vật dụng nhọn, chạm vào các vật dụng có nhiệt độ cao. Khi đó trẻ sẽ bị sang chấn tương ứng theo từng tai nạn.

– Sặc và viêm đường hô hấp, xảy ra khi co giật xuất hiện lúc bạn đang cho bé bú hoặc uống sữa, uống thuốc.

– Gây ra hạ ngưỡng điện thần kinh kích thích. Nếu đã có co giật lần đầu thì những lần sau rất dễ xuất hiện. Không cần phải sốt cao mà chỉ cần sốt vừa cũng đã đủ gây ra cơn co giật liên hồi.

– Động kinh. Tỷ lệ trẻ bị bệnh động kinh từ co giật do sốt cao vào khoảng 5%. Khi đã bị động kinh thì bắt buộc phải điều trị, đồng thời sau đó trí tuệ của trẻ sẽ bị giảm ít nhiều.

*Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của 36Care chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.