Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ là nhóm đối tượng rất dễ bị tổn thương bởi các tác động dù là nhỏ nhất từ môi trường bên ngoài. Do đó, nắm chắc những kiến thức cơ bản trong chăm sóc và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh cho trẻ là vấn đề cần thiết đối với mỗi bậc cha mẹ. Làm thế nào để tăng cường sức đề kháng một cách an toàn và hiệu quả cho trẻ dưới 1 tuổi? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
I. Sức đề kháng là gì?
Sức đề kháng được coi như một lớp hàng rào bảo vệ tự nhiên và vững chắc nhất của cơ thể trước các tác nhân bất lợi có thể gây bệnh từ môi trường như virus, vi khuẩn, khói bụi ô nhiễm, các loại hóa chất độc hại sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Sức đề kháng đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ, trẻ dưới 1 tuổi, bởi cơ thể trẻ đang trong giai đoạn bắt đầu thích nghi với môi trường xung quanh, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện đầy đủ.
Trẻ nhỏ sức đề kháng suy giảm có thể thường xuyên gặp phải các tình trạng như:
- Mệt mỏi, quấy khóc, khó ăn uống, gầy yếu.
- Hay ốm vặt, mắc các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, cảm lạnh, ho sốt,…
- Chức năng tiêu hóa kém, trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng.
Chính vì thế, tăng cường sức đề kháng cho bé dưới 1 tuổi có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình trưởng thành và phát triển toàn diện về thể lực cũng như tinh thần của bé.
II. Biện pháp đơn giản giúp hỗ trợ tăng sức đề kháng cho trẻ:
1. Tiêm chủng đầy đủ
Tiêm phòng là biện pháp hỗ trợ phòng ngừa các bệnh thường gặp một cách chủ động và tối ưu nhất cho trẻ nhỏ dưới 1 năm tuổi. Số lượng mũi vacxin trẻ cần tiêm trước 1 tuổi khoảng 20 loại, bao gồm các vacxin như lao, sởi, viêm gan, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm màng não, bạch hầu,… theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cha mẹ nên tham khảo lịch tiêm chủng phù hợp cho trẻ và tuân thủ đúng lịch tiêm chủng tại các cơ sở y tế để đảm bảo hiệu quả bảo vệ trẻ cao nhất.
2. Nuôi con bằng sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ trong những năm tháng đầu đời, là nguồn dưỡng chất đầy đủ và lý tưởng nhất, có chứa hàm lượng cao protein, chất béo, giàu canxii và các khoáng chất cần thiết để duy trì dinh dưỡng, kích thích phát triển cả về thể chất và não bộ cho trẻ.
Quan trọng hơn cả, sữa mẹ chính là nguồn cung cấp kháng thể dồi dào nhất, để cơ thể có thể chống lại các kháng nguyên từ môi trường ngoài, ngăn ngừa các nhiễm khuẩn thường gặp. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, trẻ được bú sữa mẹ giúp làm giảm nguy cơ gặp các nhiễm trùng đường tiêu hóa, các nhiễm khuẩn hô hấp bao gồm viêm phổi, viêm tai – mũi – họng.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng mẹ nên cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và duy trì cho trẻ bú đến khi trẻ được 2 tuổi, đem lại hiệu quả tăng cường đề kháng cho trẻ cao nhất.
3. Giữ vệ sinh cho bé và môi trường xung quanh
Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh bé có tác dụng loại bỏ bớt và hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa trẻ và mầm bệnh.
Vì thế, mẹ hãy hướng dẫn con rửa tay thật sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi. Vùng mũi – họng của bé cũng cần làm sạch bằng cách cho bé chải răng, súc miệng bằng nước muối sinh lý.
Ngoài ra, mẹ nên thường xuyên làm sạch đồ chơi và môi trường xung quanh để loại bỏ bớt virus trên các mặt bám.
4. Chú ý giữ ấm khi giao mùa
Khi thời tiết giao mùa xuân – hè, nhiệt độ sẽ tăng dần nhưng vẫn sẽ có những đợt giảm nhiệt độ đột ngột, nhất là vào buổi sáng – tối làm tăng nguy cơ con bị ho, đau họng, cảm lạnh.
Để khắc phục tình trạng thay đổi nhiệt độ liên tục trong ngày, mẹ có thể cho con mặc khoảng 2 – 3 lớp áo mỏng. Khi nhiệt độ tăng, trẻ có thể bỏ dần các lớp áo cho tới khi con cảm thấy dễ chịu.
5. Bé dưới 1 tuổi cần ngủ nhiều để củng cố sức đề kháng
Một giấc ngủ ngon có vai trò vô cùng quan trọng để nuôi dưỡng hệ thống miễn dịch đang phát triển và tăng sức đề kháng của trẻ sơ sinh. Khi ngủ, hệ thống miễn dịch của trẻ sẽ sản xuất ra các tế bào và kháng thể chống lại bệnh tật. Nếu bé bị thiếu ngủ, đặc biệt là trẻ sinh non (dưới 36 tuần tuổi), bé dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm, ốm vặt và ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của trẻ.
Do đó, mẹ nên đảm bảo bé được ngủ đủ giấc và không bị gián đoạn. Thời gian ngủ của trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh đến 3 tháng tuổi nên dao động từ 16 đến 18 giờ mỗi ngày; bé từ 4 đến 11 tháng tuổi nên ngủ từ 12 đến 16 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, phòng ngủ của bé nên rộng rãi, thoáng mát, nhiệt độ không quá nóng đảm bảo thân nhiệt của bé từ 36,5 đến 37,5ºC.
6. Hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ
Phụ huynh không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ nếu chưa có chỉ định hoặc chưa tham khảo ý kiến với bác sĩ. Việc tiếp xúc với kháng sinh trong 12 tháng đầu đời có thể ảnh hưởng đến các tế bào miễn dịch bẩm sinh, chẳng hạn như tế bào đuôi gai, tế bào tiêu diệt tự nhiên và tế bào bạch huyết bẩm sinh. Điều này gây ra tác động sâu sắc đến việc tăng đề kháng cho trẻ sơ sinh và cản trở khả năng thích nghi của bé đối với mầm bệnh và vắc xin.
Thuốc kháng sinh cũng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch thích ứng (hệ miễn dịch không phải sinh ra là đã có, mà là phát triển thông qua tiêm chủng, tiếp xúc với môi trường và chế độ dinh dưỡng, ngủ nghỉ và sinh hoạt) của trẻ. Cụ thể hơn, khi trẻ sơ sinh phải sử dụng thuốc kháng sinh từ quá sớm sẽ suy giảm khả năng tổng hợp các kháng thể đặc hiệu của kháng nguyên. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng phòng chống bệnh tật sau này khi trẻ tiêm chủng hoặc tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài.
7. Chế độ ăn dặm khoa học
Thông thường, trẻ sẽ bước vào giai đoạn ăn dặm sau 6 tháng tuổi, khi các chức năng của hệ tiêu hóa dần đi vào hoàn thiện, lượng enzym amylase trong cơ thể đủ để tiêu hóa các chất bột. Cho trẻ ăn dặm một cách khoa học cũng là một bí quyết quan trọng để cải thiện sức đề kháng hiệu quả đối với trẻ dưới 1 tuổi.
Một số các món ăn tăng đề kháng cho trẻ sơ sinh mẹ có thể chế biến cho bé bao gồm: rau mùi tây, bông cải xanh, khoai tây, khoai mỡ, khoai lang, cà rốt, táo hoặc lê. Để bé ăn dặm an toàn, mẹ hãy đảm bảo thức ăn đã nấu chín và đủ nguội ngay trước khi cho bé ăn.
Lưu ý, mẹ tuyệt đối không cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi ăn mật ong vì nguy cơ ngộ độc, hạn chế uống sữa bò vì nguy cơ dị ứng và tránh ăn các món hạt vì nguy cơ mắc nghẹn cao.
8. Chú ý các bệnh truyền nhiễm gia tăng theo mùa
Hơn nữa, một số bệnh truyền nhiễm sẽ có xu hướng gia tăng theo mùa, ba mẹ hãy theo dõi thông tin để tiêm ngừa và thực hiện một số biện pháp phòng bệnh cho bé. Dưới đây là một số bệnh có nguy cơ bùng phát theo mùa:
- Bệnh mùa hè: rôm sảy, tiêu chảy cấp, viêm phế quản cấp, thủy đậu, sốt vi-rút,…;
- Bệnh mùa thu: sởi, viêm não Nhật Bản, cúm mùa, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm da dị ứng,…;
- Bệnh mùa xuân: viêm mũi xuất tiết, viêm họng cấp, viêm VA, viêm amidan cấp hoặc hốc mủ, viêm xoang,…;
- Bệnh mùa đông: hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi, quai bị, sốt phát ban, bệnh tiêu chảy, v.v.
III. Những dấu hiệu suy giảm đề kháng ở trẻ dưới 1 tuổi mom cần nắm
Ngoài những cách giúp gia tăng đề kháng của trẻ sơ sinh nêu trên, mẹ cũng cần theo dõi một số báo hiệu cho thấy hệ miễn dịch của bé đang bị suy giảm để chủ động tìm cách tăng cường cho bé kịp thời. Sau đây là những biểu hiện phổ biến nhất:
- Dễ bị mắc bệnh, bệnh kéo dài, thường xuyên, hay tái phát;
- Rối loạn về máu, chẳng hạn như số lượng tiểu cầu thấp hoặc thiếu máu;
- Vết thương lâu khỏi, quá trình điều trị bệnh khó khăn, tốn nhiều thời gian;
- Gặp các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như nhu động ruột không đều, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Tăng trưởng và phát triển chậm về cân nặng, chiều cao, về các cột mốc phát triển thể lý, tâm lý và vận động.
Ba mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh đang bị suy yếu để chủ động thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo bé có sức khỏe tốt nhất.
Tóm lại:
Trong giai đoạn đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh vô cùng non yếu, do đó, bé dễ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Để tăng đề kháng cho trẻ sơ sinh, mẹ cần đảm bảo bé được tiêm vắc xin đầy đủ và đúng thời điểm; đồng thời, chăm sóc chế độ dinh dưỡng, giấc ngủ và vệ sinh cá nhân của bé cẩn thận để tăng cường hệ miễn dịch của bé một cách tối đa.
Một lưu ý cuối cùng đó là các mom cũng cần chăm sóc tốt cho bản thân mình, có như vậy mới đủ sức để đảm bảo cho sức khỏe của bé toàn diện nhất.