Việc cho trẻ uống vắc xin Rota có thể giúp cha mẹ ngăn chặn tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ uống Rota về bị đi ngoài, nôn trớ. Vậy liệu tình trạng này có nguy hiểm không? Cùng 36care tìm hiểu nhé.
1. Tại sao trẻ lại bị đi ngoài, nôn trớ sau khi uống rota?
– Các vắc xin phòng Rotavirus có tác dụng kích thích tạo miễn dịch tại niêm mạc nên sau khi uống, trẻ có thể có biểu hiện kích thích vùng thực quản, tăng nhu động ruột, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy nhẹ, hệ tiêu hóa của bé rối loạn tạm thời làm cho bé bỏ bú, biếng ăn hơn so với mọi ngày.
– Đây là phản ứng thông thường và thường tự khỏi sau 5-7 ngày.
– Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, linh hoạt, không sốt cao li bì, tiêu chảy không ồ ạt, thì Ba Mẹ hoàn toàn yên tâm.
– Nếu bé tiêu chảy ồ ạt, mệt lả, li bì hoặc sốt cao trên 38.5 độ, Ba Mẹ hãy đưa con đến bệnh viện gần nhất để được xử trí kịp thời.
2. Trẻ bị nôn sau uống Rota có sao không?
– Phản ứng nôn trớ sau khi trẻ uống vắc xin Rota là một phản ứng phụ thông thường và không nguy hiểm. Sau khi uống vắc xin, trẻ có thể trải qua các biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đi ngoài phân lỏng, và nôn trớ cũng có thể xuất hiện trong một số trường hợp.
– Tuy nhiên, những phản ứng này thường không kéo dài và ít khi kéo dài cả tháng. Nếu trẻ trải qua nôn trớ nhiều lần và ảnh hưởng đến cân nặng hoặc sức khỏe tổng thể, việc đưa trẻ đi bác sĩ là quan trọng để loại trừ các nguyên nhân khác.
– Để giảm nguy cơ nôn trớ, các biện pháp như vỗ ợ hơi cho trẻ, không cho trẻ bú hết sữa trong một lần, và thực hiện mát-xa bụng có thể hữu ích.
– Nếu tình trạng chướng bụng tiếp tục, có thể thảo luận với bác sĩ để được tư vấn thêm về việc sử dụng các sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa hoặc men tiêu hóa.
3. Vậy có cần phải uống lại Rota không?
Đây cũng là thắc mắc của khá nhiều phụ huynh sau khi đưa con đi uống vắc xin phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus.
– Khi trẻ uống vắc xin này vào, lượng virus trong dung dịch sẽ tráng toàn bộ bề mặt niêm mạc đường tiêu hóa từ miệng trở xuống, theo nhu động tự nhiên của động tác nuốt.
– Ngoài ra, nhà sản xuất đã thêm tá dược vào vắc xin để tăng độ bám dính giữa dung dịch vắc xin và niêm mạc đường tiêu hóa của con người, khi trẻ uống vắc xin, một phần vắc xin đã bám vào niêm mạc miệng, nơi mà có nhiều tế bào tua gai (hình sao) là các tế bào bắt các kháng nguyên (chính là virus trong vắc xin) và di chuyển đến hạch bạch huyết để tạo đáp ứng miễn dịch.
– Do đó mặc dù bé đã bị nôn trớ vắc xin thì vẫn sẽ có lượng lớn virus Rota trong vắc xin đã di chuyển vào đường tiêu hóa và bám vào niêm mạc đường tiêu hóa từ miệng đến ruột đủ để gây đáp ứng miễn dịch cho trẻ.
Vì vậy nếu bé nôn trớ sau khi đã hoàn tất việc uống vắc xin, bé không cần uống lại mà chỉ cần uống liều tiếp theo (theo lịch hẹn).
Trong từng trường hợp cụ thể, bố mẹ hoặc người đưa trẻ đi tiêm có thể trao đổi với nhân viên điều dưỡng thực hiện việc cho trẻ uống vắc xin để xem việc uống vắc xin đó đã đủ đáp ứng liều lượng vắc xin theo quy định hay chưa.
Để tham khảo giá của các loại vắc xin tại 36care. Hãy bấm vào đây!
Hoặc nhắn tin trực tiếp vào hộp thư của 36care để được hỗ trợ tư vấn tại đây!